Bản Tin

Yêu cầu kỹ thuật chung cho hàng thủ công mỹ nghệ

Yêu cầu của thị trường Mỹ

Hàng thủ công mỹ nghệ / trang trí nghệ thuật nhập khẩu vào Mỹ có thể phải tuân nhiều quy định / tiêu chuẩn. Tất cả các hàng trang trí nghệ thuật đều phải tuân theo quy định LHAMA, bao gồm việc có thể phải được phê duyệt bởi Hội đồng kiểm tra độc chất cho phù hợp với tiêu chuẩn ASTM D4236. Tùy thuộc vào bản chất cụ thể của sản phẩm – ví dụ sản phẩm dành cho trẻ em hoặc người lớn, các sản phẩm này có thể phải tuân thủ một hoặc nhiều tiêu chuẩn khác nhau như ASTM F963 (đồ chơi), 16CFR v.v.

Yêu cầu của thị trường Nhật

Trong khi đó, không có yêu cầu bắt buộc đối với hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và hàng thủ công mỹ nghệ nhập khẩu vào Nhật. Tuy nhiên, các quy định sau đây có thể áp dụng cho hàng thủ công tùy thuộc vào loại sản phẩm và đặc điểm:

1) Quy định bắt buộc đối với nhập khẩu (không được nhập khẩu nếu không tuân thủ các yêu cầu này)

Sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm (FCM) phải tuân theo Luật vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW)

2) Quy định bắt buộc áp dụng cho bán hàng / phân phối (có thể nhập khẩu nếu không đạt các yêu cầu sau nhưng phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu này tại địa điểm bán hàng)

Quần áo và hàng gia dụng phải tuân theo Luật ghi nhãn chất lượng cho hàng gia dụng – Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI)

Hàng tiêu dùng phải tuân theo Luật về kiểm soát các sản phẩm gia dụng có chứa chất có hại – Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW)

Yêu cầu của thị trường Châu Âu và những điều nhà sản xuất cần lưu ý

EU là thị trường có yêu cầu nhập khẩu nghiêm ngặt. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không biết rằng một số hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ thuộc danh mục phải giới hạn. Kết quả là, 90% các sản phẩm thủ công được gửi đến TUV Rheinland Việt Nam để thử nghiệm đều không đạt yêu cầu ở lần thử nghiệm đầu tiên và chỉ đạt yêu cầu sau hơn hai lần thử nghiệm sau khi đã thay thế một số nguyên liệu và hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất. Các công ty Việt Nam cần kiểm tra hóa chất được sử dụng để đảm bảo đã tuân thủ các yêu cầu của EU. Doanh nghiệp cũng nên chú ý đến các quy định được áp dụng riêng cho một số loại sản phẩm cụ thể.

Chú ý đến việc sử dụng hóa chất

Keo

Trong quá trình chế tác, rất nhiều bộ phận của sản phẩm được gắn, liên kết với nhau bằng keo dán. Với các sản phẩm từ mây, tre … keo cũng được sử dụng rất nhiều để dán, ép các thành phần lại với nhau. Có nhiều loại keo khác nhau trên thị trường, có thành phần phức tạp và có thể chứa các chất cấm sử dụng tại EU như formaldehyde. Trường hợp sản phẩm có sử dụng keo chứa formaldehyde sẽ bị cấm nhập khẩu vào Châu Âu. Vì vậy, trước khi mua keo doanh nghiệp cần tiến hành thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm uy tín được công nhận bới bên mua hàng để đảm bảo keo dán tuân thủ các yêu cầu của thị trường Châu Âu.

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng formaldehyde là một chất gây ung thư. Việc cấm sử dụng formaldehyde được đề cập trong Pháp lệnh về hóa chất cấm sử dụng của Đức và Luật định về sản phẩm tiếp xúc thực phẩm của Châu Âu.

Chất chống mốc / mọt

Do nhiều vật liệu chế tác được lấy từ thiên nhiên như mây, tre, gỗ … nên các hóa chất chống mốc mọt được sử dụng rất rộng rãi. Nhiều hóa chất chống mốc như các hóa chất thuộc nhóm Chlorinated Phenol (Pentachlorophenol – PCP, Tetrachlorobenzen – TeCP, Trichlorobenzen – TCP ) bị cấm và kiểm soát rất chặt chẽ khi xuất hàng vào thị trường Châu Âu.

PCP thuộc nhóm hóa chất cực độc và gây ung thư. Các hóa chất này bị hạn chế theo Phụ lục XVII của luật định REACH 1907/2006/EC và bị cấm tại một số quốc gia Châu Âu như Đức, Thụy Sỹ, Đan Mạch.

Cần lưu ý rằng trong quá trình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, hóa chất như Carbendazim thường được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm cho cây. Khi những cây này được thu hoạch, chúng được đặt gần với vùng nguyên liệu dùng cho hàng thủ công như tre và gỗ. Điều này có thể dẫn đến ô nhiễm chéo trong nguyên liệu và cần được lưu ý trong sản xuất vì dư lượng Carbendazim có thể được tìm thấy trên các nguyên liệu dùng để sản xuất hàng thủ công.

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng liều cao Carbendazim có thể gây vô sinh và tiêu diệt các tinh hoàn của động vật thí nghiệm. Carbendazim thuộc nhóm thuốc trừ sâu và không được vượt quá hạn mức quy định (hạn mức này thay đổi tùy theo sản phẩm.)

Sơn và phẩm màu

Quá trình trang trí, bảo quản … trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường sử dụng rất nhiều phẩm màu, sơn … Đây là một trong những nguồn có thể gây những ảnh hưởng có hại không mong muốn đến người tiêu dùng và đòi hỏi việc kiểm soát chất lượng hết sức nghiêm ngặt như:

  • Không thôi màu gây bẩn cho người sử dụng
  • Hàm lượng các chất phthalate có trong ngưỡng cho phép không?
  • Các phẩm màu hoặc sơn có chứa các phẩm nhuộm bị cấm không (như phẩm màu azo)
  • Có các chất cấm như các hợp chất thơm đa vòng (PAH) không?
  • Có chứa formaldehyde không?
  • Hàm lượng chì có vượt ngưỡng cho phép không?

Những hợp chất này được hấp thụ hoặc tồn dư trong sản phẩm cuối cùng và có hại cho sức khỏe.

1903

Những chất nên kiểm tra

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu và mỗi loại nguyên liệu có thể có một nguồn rủi ro khác nhau và cần phải được kiểm tra riêng, ví dụ:

  • Thuốc trừ sâu đối với nguyên liệu từ gỗ, tre, nứa
  • Kim loại nặng cho nguyên liệu từ kim loại hoặc thuốc nhuộm
  • Thuốc nhuộm azo bị cấm sử dụng

Các quy định áp dụng riêng cho một số loại sản phẩm

Rất nhiều sản phẩm có thể sử dụng với nhiều mục đích, ví dụ như tô bằng tre, gỗ có thể sử dụng làm đồ trang trí nhưng cũng có thể sử dụng làm tô đựng bánh hay trái cây. Với những sản phẩm này EU yêu cầu việc kiểm soát chất lượng không chỉ áp dụng theo tiêu chuẩn của vật trang trí mà còn theo các qui định của vật liệu tiếp xúc với thực phẩm nên các yêu cầu như độ thôi nhiễm màu, thôi nhiễm hóa chất, thôi nhiễm mùi, tổng thôi nhiễm … cũng phải được kiểm soát chặt chẽ.

Các sản phẩm có thể sử dụng cho trẻ em hoặc có thể chơi, nghịch bởi trẻ em (không có chủ đích) thường bị kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều. Với những sảm phẩm này giới hạn cho các hóa chất thường thấp hơn nhiều lần so với người trưởng thành, bên cạnh đó một số vị trí như lỗ nhỏ, cạnh sắc, các vị trí dễ đứt gãy tạo mảnh nhỏ … có thể gây nguy hiểm đến trẻ em cũng được EU kiểm soát rất nghiêm ngặt.

( Sưu tầm)

Có thể bạn quan tâm

Leave a Comment