Gốm Vĩnh Long – Vương Quốc Gạch Gốm nơi sản sinh “Dòng gốm đỏ không men với lớp phấn trắng” độc đáo
Vĩnh Long địa phương này có một “di sản đương đại” ít người biết đến, đó là “Vương quốc gạch gốm Mang Thít” với hàng nghìn lò nung gạch khổng lồ tựa các tòa tháp tôn giáo kỳ bí. Vĩnh Long là địa phương tập trung nhiều lò gạch nhất, vì nơi đây có lượng đất sét pha rất thích hợp để làm gạch, ngói và gốm. Đi dọc theo sông Cổ Chiên từ hướng thành phố Vĩnh Long xuôi dòng qua Huyện Long Hồ, mọi người sẽ tìm thấy các lò gạch nằm rải rác ven bờ sông. Đặc biệt, khi đến Kênh Thầy Cai huyện Huyện Mang Thít thì mọi người chính thức đi vào Thủ đô của “Vương quốc gạch gốm”.
Ngày xưa, Vĩnh Long đường thủy vẫn là phương thức giao thông chính. Chính điều đó mà hầu như các lò nung gạch, cơ sở sản xuất gạch gốm đều nằm cạnh các con sông, dòng kênh. Việc này sẽ thuận lợi cho ghe thuyền cập vào cung cấp nguyên liệu đất sét để đóng gạch ngói. Nguồn chất đốt được sử dụng chủ yếu ở các lò gạch Mang Thít là trấu và cũng được mua về từ các nơi khác. Rồi khi thành phẩm, người công nhân cũng dễ dàng vận chuyển hàng lên ghe thuyền để chở đi tiêu thụ.
Nghề làm gạch gốm ở Vĩnh Long được kiến tạo qua hơn 100 năm từ sự giao thoa văn hóa, kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa. Từ đầu thế kỷ 19, nghề làm gạch ngói đã có mặt tại Vĩnh Long để đáp ứng nhu cầu xây cất nhà cửa của người dân địa phương. Thời cực thịnh của nghề làm gạch ngói ở Vĩnh Long là sau giải phóng, nhất là giai đoạn những năm 80 khi có đến hàng nghìn cơ sở với hơn 3.000 lò nung gạch ngói. Cũng thời gian này có một số lò tiến thêm một bước trong nghề truyền thống là làm những sản phẩm đồ gốm, các sản phẩm bình dân như chum, vại, gạch, ngói đến bát, đĩa, chén… đều được mọi người công nhận và vô cùng yêu mến. Đồ gốm đỏ Vĩnh Long không những cung cấp cho thị trường miền Tây, trong nước, mà còn xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.
Đến đầu những năm 2000, với nhiều nguyên nhân khác nhau, nghề làm gạch, ngói, gốm đỏ ở Vĩnh Long bắt đầu đi xuống và mai một dần. Cho đến nay, hiện toàn tỉnh Vinh Long chỉ hơn 1.000 lò nung gạch gốm còn tồn tại, một số trong đó còn hoạt động. Và Sau đại Dịch Covit-19 tình trạng các lò nung dừng hoạt động càng nhiều hơn.
Hình dáng lò gạch ở Mang Thít, Vĩnh Long cũng giống như các nơi khác của miền Tây. Với độ cao từ 9 – 13m, các lò nung gạch gốm thường là hình trụ tròn, đường kính tầm 6 – 8m, dưới phình to – trên thu nhỏ dần, nhìn từ xa trông giống các tháp của người Chăm. Chất liệu để làm nên các lò này cũng là bằng gạch, với số lượng hàng trăm nghìn viên xây xếp chồng lên nhau.
Quy trình làm nên một lô gạch gốm ở Vĩnh Long
Mỗi lần bắt đầu nổi lửa nung cần cả tháng trời: 5 ngày để tải và dỡ gạch, thêm 15 ngày nung, 10 ngày để xây cửa lò và chờ gạch nguội. Gạch được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất cẩn trọng, để đảm bảo gạch ‘chín’ vừa đúng.
Gạch, gốm Mang Thít có mẫu mã phong phú, có nét riêng nhờ nguồn đất sét đặc biệt và nét tinh hoa được hình thành từ tri thức dân gian của ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa. Sản phẩm chủ yếu là các loại gạch ống, gạch tiểu, ngói âm dương và các loại đồ gốm trang trí sân vườn, nội thất được xuất khẩu sang nhiều nước.
Dòng gốm đỏ không men với lớp phấn trắng phơn phớt bên ngoài độc đáo
Làng gốm Vĩnh Long lại có nét độc đáo riêng, đó là dòng gốm không men. Không có màu đỏ ối của gạch, ngói, gốm Vĩnh Long có màu hồng tự nhiên, sau khi nung phủ lớp phấn trắng phơn phớt bên ngoài như sương đặc trưng. Nhờ sáng tạo kỹ thuật nung, một số sản phẩm gốm đỏ lại có thêm màu trắng bạc loang lổ tự nhiên tạo ra những nét rất riêng. Chính điều này đã tạo cho gốm Vĩnh Long vẻ đẹp riêng rất ấn tượng mà không sản phẩm gốm nào có được.