Tiền đề để doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ phát triển sản phẩm mới
Vì vậy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn “dậm chân tại chỗ” chưa tìm ra được hướng đi và xây dựng được thương hiệu.
Để giải bài toán này, Sở Công Thương Hà Nội đã hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn, hỗ trợ nhằm giúp các nghệ nhân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng thiết kế, phát huy ý tưởng sáng tạo để có được những sản phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo thống kê, Hà Nội có 1.350 làng nghề truyền thống, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Nhưng hiện tại đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu làng nghề.
Nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ sở làng nghề chủ yếu là sản xuất nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu gắn kết nên khó tiếp cận được với nguồn vốn cũng như không có nguồn lực và đào tạo bài bản về quản trị thương hiệu, thiết kế mẫu chuyên nghiệp.
“Thiết kế là linh hồn của sản phẩm. Hàng thủ công mỹ nghệ cũng như thời trang cần có mẫu mới liên tục. Thiết kế tốt, tạo ra doanh nghiệp tốt”, bà Expert Claire Driscoll, chuyên gia về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (Hội đồng Anh) nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay các làng nghề ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang rất yếu về khâu thiết kế mẫu hàng thủ công mỹ nghệ. Do vậy, Sở đã hợp tác với các chuyên gia thiết kế mẫu trong nước và nước ngoài để tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm với các nghệ nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Qua đó, các chuyên gia thiết kế giúp các nghệ nhân, doanh nghiệp có thể phát huy được những ý tưởng sáng tạo để làm ra những sản phẩm có tính mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao phù hợp với thị hiếu khách hàng. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển mẫu mã sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Hải cũng nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về nhóm hàng thủ công mỹ nghệ. Riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt 192 triệu USD, thu hút gần 1 triệu lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 55 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Sản phẩm làm ra chưa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn yếu so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines.
Chính các nghệ nhân, các doanh nghiệp cũng nhìn nhận thấy những điểm còn hạn chế trong việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đó là khâu thiết kế mẫu.
Ông Lê Đức Kế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ thương mại Bát Tràng (huyện Gia Lâm – Hà Nội) cho biết, sản xuất gốm sứ đóng vai trò sống còn đối với người dân nơi đây. Bởi, sản xuất gốm sứ vừa là nghề truyền thống, vừa giải quyết việc làm và đem lại thu nhập cao cho họ.
Nếu nhìn nhận gốm sứ Bát Tràng là làng nghề thủ công thuần túy thì không cần phải bàn thêm, song nếu nhìn làng nghề là thủ công mỹ nghệ thì những mặt hàng ở đây đang thiếu một nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn và dự đoán chính xác về thị hiếu mẫu, hoa văn…
Hơn nữa, nghệ nhân làng nghề mới chỉ là thợ khéo tay, chứ họ chưa phải nhà thiết kế mẫu. Vì vậy, khi bước ra thị trường thế giới, sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng có phần đuối sức so với mặt hàng cùng loại của nhiều nước khác.
Theo ông Nguyễn Anh Hiếu, đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Trúc Sơn (huyện Chương Mỹ – Hà Nội), hiện sản phẩm của làng nghề chủ yếu làm theo các mẫu truyền thống hoặc làm theo mẫu của nước ngoài do khách hàng mang tới. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang bị động trong việc tìm kiếm, sáng tạo, thiết kế mẫu sản phẩm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; trong đó, có việc chậm đổi mới mẫu mã, sản phẩm thiếu tính sáng tạo, nhiều sản phẩm chưa xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, còn dập khuôn theo các mẫu có sẵn trên thị trường hoặc theo đơn đặt hàng từ phía khách hàng mà ít có những sản phẩm của riêng mình.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân thợ giỏi có những mẫu thiết kế đẹp nhưng lại thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt…
Về điểm yếu này, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định, đây là tình trạng chung của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là cơ sở quy mô nhỏ ở nước ta. Do hạn chế về nguồn lực, các cơ sở này không dám đầu tư đội ngũ thiết kế riêng, thiếu điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế.
Trong khi đó, nhiều cơ sở cũng e ngại, nếu bỏ công sức đầu tư thiết kế mẫu bài bản, thì chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị các cơ sở khác làm nhái, vì vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa được thực hiện nghiêm. Do đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành trong việc cải thiện, sáng tạo mẫu mã sản phẩm.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam kém cạnh tranh hơn về thiết kế, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống cũng phải thay đổi bằng cách đổi mới thiết kế mẫu, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.
Nam Giang/TTXVN