Bản Tin

Thủ công mỹ nghệ: Tiềm năng lớn trên thị trường quốc tế

Tình hình thị trường thủ công mỹ nghệ hiện nay

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam có mức độ tăng trưởng xuất khẩu cao, bình quân khoảng 10%/năm. Con số này đóng góp không nhỏ vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Điều này cũng cho thấy, người tiêu dùng quốc tế luôn có nhu cầu cao với các sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong những năm gần đây.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng có giá trị lớn như: các sản phẩm gốm sức đạt 539 triệu USD, sản phẩm mây tre cói thảm đạt 484 triệu USD, sản phẩm thêu, thêu dệt thủ công đạt 139 triệu USD.

Dự kiến ngành thủ công mỹ nghệ đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD trong 5 năm tới.

Mặc dù Covid-19 đã đem lại những ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế nước nhà và tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng nhưng trong 7 tháng đầu năm 2020 lĩnh vực thủ công mỹ nghệ vẫn cho thấy sự tăng trưởng đều. Trong đó, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 đối với các sản phẩm gốm sứ, đạt 309 triệu USD; tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019 đối với các sản phẩm mây tre cói thảm, đạt 250 triệu USD; tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019 đối với các mặt hàng dệt thủ công, đạt 90 USD.

Hiện nay, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển với nguồn lao động dồi dào, đặc biệt là lực lượng lao động nông nhàn, người hết tuổi lao động, người làm từ các khu công nghiệp trở về và người khuyết tật ở nông thôn. Ngành nghề này đã tạo thu nhập cho hơn 2,3 triệu người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng từ thu nhập thấp sang thu nhập cao hơn. Mức thu nhập của người lao động có ngành nghề cao gấp 2 đến 3 lần so với thu nhập của người lao động thuần nông. Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực có ngành nghề thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước.

Xu hướng tiêu dùng ngày càng hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó những mặt hàng có nguồn gốc làm từ chất liệu từ tự nhiên như mây, tre, cói, bèo… mà Việt Nam có lợi thế và điều kiện phát triển.

Gần đây, tăng trưởng xuất khẩu các quốc gia gia nhập khẩu lớn trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu áp đặt hàng rào thuế quan cao hơn đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Đặc biệt, tiềm năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi tại các làng nghề của Việt Nam là rất lớn và nhiều người đã được thế giới công nhận. Đây chính là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng thị trường và phát triển mạnh mẽ ngành nghề.

Cùng với nhu cầu tăng lên ở thị trường quốc tế, việc giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do và các biện pháp tăng cường năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu, cải tiến mẫu mã thiết kế sản phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hợp chuẩn quốc tế… được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đạt trên 12%/năm, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.

Tiềm năng lớn nhưng cần gia tăng giá trị

Ngành nghề thủ công mỹ nghệ đã thu hút từ 24 đến 25 vạn lao động thường xuyên và rất nhiều lao động thời vụ, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân. Đồng thời, cũng góp phần đa dạng hoá kinh tế nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hoá, đóng góp to lớn vào việc bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc…

Các mặt hàng thủ công tại Việt Nam vẫn còn chưa đa dạng hoá sản phẩm và đơn điệu về mẫu mã.

Mặc dù vậy, ngành nghề tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn tại và hạn chế. Trên thực tế, các mặt hàng mây, tre, nứa, lá đề ra không sát với sản xuất, phát triển còn tự phát, phân tán, mẫu mã đơn điệu, công nghệ còn lạc hậu, nhiều làng nghề truyền thống của Việt Nam không thể cạnh tranh với thị trường quốc tế. Theo đó là do cơ sở hạ tầng chưa được đầu từ đồng bộ, xuống cấp, thiếu các công trình hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, bảo tồn không gian văn hoá làng nghề. Bên cạnh đó, do thiếu vốn, thị trường bấp bênh, nguồn nguyên liệu không ổn định, lực lương động trẻ tìm nghề có thu nhập cao hơn nên không ít làng nghề rơi vào sản xuất cầm chừng.

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn, hợp chuẩn quốc tế còn rất thấp tron gkhi yêu cầu quốc tế ngày càng tăng. Và vai trò liên kết ngành của các tổ chức hiệp hội nghề còn yếu, thiếu sự gắn kết giữa Hiệp hội với các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhau.

Vấn đề nguồn nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, giá lục bình khô hiện đã lên mức 27.000 đồng/kg nhưng lại rất khan hiếm, nguồn đất để làm các sản phẩm đồ gốm cũng ngày càng cạn kiệt do tác động của đô thị hoá…

Cần tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực tại địa phương có điều kiện để đảm bảo nguồn nguyên liệu.

Chính vì thế, để đảm bảo nguồn nguyên liệu tại nơi sản xuất trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, chủ yếu tập trung các sản phẩm chủ lực như mây, tre đan lát, thêu dệt, gốm sứ… tại các địa phương có điều kiện. Ông lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, Bộ sẽ rà soát, đánh giá thực trạng ngành nghề nông thôn, làng nghề hiện nay để xây dựng tiêu chí, đánh giá phân loại làng nghề, hoàn thiện xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hoá các sản phẩm theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền.

Để tham gia vào thị trường quốc tế một cách mạnh mẽ và tương xứng với tiềm năng, ngành chế biến mây, tre cần phải nhanh chóng thay đổi cơ cấu sản phẩm một các hợp lý. Để phát triển sản xuất và kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ Nhà nước cần định hướng tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ nghệ nhân tập trung. Chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện, hỗ trợ cần thiết để các DN liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để ổn định sản xuất.

Về phía các doanh nghiệp cũng cần tự xây dựng chiến lược thị trường, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, chủ động đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… cần tích cực tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới.

Thanh Tâm

Có thể bạn quan tâm

Leave a Comment