Thủ công mỹ nghệ đổi mới để phát triển
Ông Nguyễn Văn Vinh, nghệ nhân làng nghề Phú Vinh chia sẻ, các sản phẩm của làng nghề là truyền thống, nhưng thực tế hiện nay với xu hướng hội nhập thì truyền thống là chưa đủ. Phải gắn trên các sản phẩm đó mang tính chất vừa truyền thống, vừa hiện đại. Do đó các DN phải thường xuyên thay đổi mẫu mã, tích cực quảng bá sản phẩm… nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng trong và ngoài nước.
Các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh được nhiều thị trường nước ngoài ưa chuộng |
Câu chuyện của Phú Vinh cũng là vấn đề của hàng ngàn làng nghề truyền thống Việt Nam hiện nay. Những gốm sứ, đúc đồng, mây tre đan, thêu ren, thổ cẩm, sơn mài… với sắc thái độc đáo, kỹ thuật thủ công tinh xảo từng làm nên danh tiếng làng nghề Việt thì nay đang đứng trước thách thức rất lớn của hội nhập.
Bởi khi chúng ta có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường ra các nước thì đồng thời cũng phải mở cửa thị trường trong nước, và khi đó các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn. Trong đó, một số nước trong khu vực cũng có nền sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ khá phát triển.
Theo kinh nghiệm của các DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thì việc đổi mới mẫu mã thiết kế đóng vai trò quan trọng, thể hiện khả năng thích nghi sự thay đổi theo xu thế thị trường để tồn tại và phát triển. Do đó, mẫu mã sản phẩm quyết định đến sự thành công của đơn hàng. Chính vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống cũng phải thay đổi theo thị trường bằng cách đổi mới thiết kế mẫu mã cũng như đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.
Đổi mới và sáng tạo là bài toán đặt ra cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Đa số các làng nghề thủ công mỹ nghệ hiện nay vẫn sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, sản phẩm chậm đổi mới, thiếu sự sáng tạo… Rất nhiều mặt hàng sản xuất hiện nay tại các làng nghề, để xuất khẩu được thì đều phụ thuộc vào mẫu mã của đối tác nhập khẩu. Như thế, đi từ tính đặc sắc và tinh xảo của sản phẩm để thu hút khách hàng, nay chúng ta chỉ làm gia công.
Theo Ths. Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ phát triển làng nghề, hiện có tới 90% sản phẩm của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài cung cấp và sử dụng nhãn mác của nước ngoài. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam kém cạnh tranh hơn về thiết kế. Mà trên thực tế thì sự khác biệt về mẫu mã là một trong các yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
“Để xuất khẩu được hàng thủ công mỹ nghệ, DN trong nước cần cố gắng rất nhiều. Bởi các làng nghề, DN hiện nay chủ yếu sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được các đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, cũng như số lượng của các nhà nhập khẩu nước ngoài…”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ.
Nhằm giúp các DN, các cơ sở sản xuất thương mại liên quan đến làng nghề tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, vừa qua Hà Nội đã có một số chính sách hỗ trợ việc đào tạo nghề, truyền nghề; mời các chuyên gia thiết kế trong nước và nước ngoài hỗ trợ các DN làng nghề tiếp cận các mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.
Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, tổ chức các cuộc thi về sản phẩm thương hiệu… để nâng giá trị sản phẩm của làng nghề.
“Việc thay đổi như vậy là cần thiết để ngành thủ công mỹ nghệ có thể cải thiện năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế quốc tế…”, bà Lan nhấn mạnh.