O2 Coffee – The New “Rường” | MW archstudio
“Nhà Rường” – một loại hình kiến trúc xuất hiện trong thời phong kiến dần bị mai một, lãng quên trong thời đại mới nay đã được các KTS của MW archstudio tái hiện trong một diện mạo “vừa lạ vừa quen” với công trình O2 coffee. Công trình như câu chuyện kết nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa những giá trị truyền thống và giá trị thời đại.
Thông tin công trình:
- Tên công trình: O2 coffee
- Đội ngũ thiết kế: MW archstudio
- Diện tích: 120 m2
- Địa điểm: thành phố Huế
- Ảnh: Hiroyuki Oki
Thuyết minh của KTS:
Công trình O2 coffee được xây dựng tại thành phố Huế trên một khu đất có diện tích 120 m2, có 2 cạnh tiếp xúc lần lượt là một con đường và một hồ nước lớn. Khu đất nằm trong một khu vực dân cư có đặc điểm nhận dạng văn hóa, lịch sử khá đặc biệt – khu dân cư cạnh “ Đại Nội”.
“Đại Nội” – tên gọi chung của vòng thành bảo vệ các cung điện quan trọng của triều đại phong kiến cũ của Việt Nam (thế kỉ XIX – XX), đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam.
Do nằm trong một khu vực có tính nhận dạng đặc thù, có nhiều di sản văn hóa cần bảo tồn và phát triển. Đặc biệt là các di sản về thẩm mĩ, kiến trúc. Nên nhóm thiết kế MW archstudio đã chọn hướng tiếp cận sao cho vẫn gắn kết chặt chẽ các yếu tố bản địa, bối cảnh của khu đất mà công trình được xây dựng, nhưng đồng thời phù hợp với các định hướng của sự phát triển trong tương lai một cách có chọn lọc.
Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, và Huế do đặc điểm địa lý nên có khí hậu khá khắc nghiệt (nhiệt độ cao vào mùa hè và mùa đông lạnh kèm mưa kéo dài). Từ các đặc điểm khí hậu trên, đồng thời phát triển theo lịch sử, văn hóa mà kiến trúc nhà mái dốc nói chung, trong đó “nhà Rường” nói riêng – một loại hình kiến trúc xuất hiện trong thời phong kiến cũ – như một hình ảnh đại diện nổi bật của thành phố thơ mộng.
Xét theo vật lí kiến trúc chung thì “nhà Rường” là một loại hình kiến trúc giải quyết tương đối tốt đối với các đặc điểm khí hậu của Huế. Nhưng do một số hạn chế nhất định về nguồn vật liệu, chi phí chung, các yêu cầu kết cấu, các yếu tố công năng dần không còn phù hợp với các yêu cầu, định hướng của con người trong thời điểm phát triển khá nhanh của xã hội, bởi vậyloại hình kiến trúc này dần bị mai một, lãng quên. Đó là một điều khá đáng tiếc.
Từ các phân tích trên, nhóm thiết kế đề xuất ý tưởng về một công trình hiện đại, phù hợp với các yếu tố phát triển trong tương lai, đồng thời mang những đặc điểm cơ bản, đặc trưng của “nhà Rường” về hình ảnh, các đặc điểm vật lí kiến trúc (ánh sáng, thông gió…), tính liên kết giữa công trình với bối cảnh xung quanh…Từ đó công trình như một câu chuyện kết nối từ quá khứ đến tương lai.
Các đặc điểm liên tưởng đó dễ nhận biết qua cách bố trí hệ cột thép thẳng chịu lực chính của công trình, hay lớp mái ngói dốc thẳng. Các khoảng đệm, thông tầng lớn bao quanh 2 mặt đứng chính công trình được tạo ra chủ động do tỉ lệ kiến trúc đặc – rỗng , giữa các khối trong nhà và không gian ngoài nhà. Trong khi đó, các yếu tố thông gió thì chủ động qua các lớp cửa kính trượt ở nhiều vị trí khác nhau trên các vách đứng của công trình.
Sự liên kết về tầm nhìn của người sử dụng bên trong công trình với bối cảnh xung quanh thông qua tăng rộng về chiều ngang và hẹp về chiều cao, với mục tiêu kéo gần quan cảnh thiên nhiên xung quanh lại gần người sử dụng tốt hơn. Từ đó tạo sự gắn kết, thân thiện với bối cảnh xung quanh nhưng không kém phần nổi bật, sức hút về một công trình thương mại dịch vụ cần có.
Đối với hạng mục công trình thương mại dịch vụ nói chung tại Việt Nam, các điểm hạn chế nói chung là tâm lí, thói quen đầu tư ngắn hạn. Do đó sẽ xuất hiện các vấn đề tiêu cực như đầu tư thiếu nghiêm túc, cố gắng tăng tối đa mật độ sàn sử dụng một cách tiêu cực (thậm chí là vi phạm các khoảng lùi, chiều cao xây dựng), sử dụng các vật liệu, kết cấu thiếu tính chuyên nghiệp và bền vững, an toàn. Và quan trọng nhất: ít quan tâm đến tâm lí cũng như chất lượng phục vụ cho người sử dụng các dịch vụ. Cũng như tính gắn kết cộng đồng của nội tại công trình nói riêng và với cộng đồng, môi trường xung quanh nói chung.
O2 coffee tạo sự thú vị cho người sử dụng qua cách thay đổi cao độ, phương vị sàn liên tục, cũng nhưng các khoảng đệm, giao nhau của các không gian bên trong và bên ngoài công trình một cách linh hoạt. Qua đó tạo cho người sử dụng công trình có cơ hội quan sát, khám phá ở các góc nhìn rất khác nhau không chỉ bằng cảm giác không gian ngồi, mà còn theo dõi, hòa mình cùng sự thay đổi theo thời gian, theo mùa của bối cảnh xung quanh. Đồng thời thủ pháp này không chỉ tạo sự thú vị về tầm nhìn cho khách hàng mà còn nhằm tăng mật độ sàn chủ động – ảnh hưởng tích cực đến vấn đề mật độ phục vụ cho vấn đề thương mại, mặc dù không vi phạm các khoảng lùi và tổng chiều cao chung của công trình.
Tổng thể công trình như một khối rỗng trong suốt đối với xung quanh, tạo hiệu ứng tăng thu hút cho vị trí kinh doanh chung của khu phố, tăng kết nối kinh doanh cộng hưởng, cộng sinh với các hạng mục kinh doanh khác xung quanh kế cận. Từ đó công trình là hạt nhân trong một chuỗi các hoạt động thương mại cộng hưởng tích cực của khu vực này.
Công trình chủ động lùi vào 2 cạnh mặt tiếp giáp ngoài nhằm tăng khoảng lùi đô thị. Kết hợp với cây xanh tạo thành một hàng lang đệm lớn dọc 2 cạnh mặt ngoài công trình với bên ngoài nhằm tránh các tác động nắng vào 2 hệ vách kính lớn, hạn chế hiệu ứng nhà kính cho công trình (vách kính ít nhận nắng, và bố trí nhiều cửa trượt thông gió theo nhiều hướng khác nhau nhằm tản nhiệt nhanh nhất cho kính và tăng hiệu ứng thông gió cho không gian kiến trúc bên trong nhà)
Kết cấu công trình chủ yếu sử dụng khung thép chịu lực cho các vị trí cột, mái, và sàn sử dụng. Các vật liệu ốp, bao bọc công trình chủ yếu là các tấm GACHMAT, gạch không nung… có nguồn gốc tái chế từ các phế phẩm công nghiệp, nông nghiệp. Ngoài ra về tổng thể công trình cũng dễ dàng thi công do sử dụng phương pháp thi công lắp ghép: nhanh và ít tác động tới môi trường trong quá trình thi công, di chuyển tập kết vật tư. Công trình cũng dễ dàng tháo dỡ trong tương lai, và phần lớn tất cả vật liệu hiện hữu của công trình vẫn tái sử dụng được cho những công trình làm mới khác.
Công trình được tính toán để không sử dụng đèn vào ban ngày – ngay cả với thời tiết xấu hay có ánh sáng mặt trời yếu. Vào ban đêm, công trình sử dụng đèn Led công nghệ tiết kiệm điện. Công trình cũng bố trí máy lạnh, nhưng tùy vào điều kiện thời tiết cụ thể mà điều tiết sử dụng hợp lí theo nhiệt độ trong ngày và theo mùa.
Ngoài ra với cách thiết kế “khối rỗng” như trên, nhóm thiết kế cũng đề xuất thêm nhiều công năng dự phòng khác nhau trong tương lai khi công trình muốn chuyển đổi mục đích sử dụng, nhằm hạn chế thêm nhiều công trình có các công năng trong tương lai nêu trên – hạn chế xây dựng mới, chiếm đất mới của thiên nhiên.
Xem thêm ảnh công trình:
XEM THÊM: