Nhà đẹp thực tế

NGÔI NHÀ CỦA NHỮNG KHÔNG GIAN VÒM

Đây là một ngôi nhà dành cho gia đình 3 thành viên gồm bố mẹ và con gái ở Q.Bình Thạnh, nằm trong lòng một khu phố đông dân cư và xung quanh phổ biến là kiểu nhà ống liên kế “đặc trưng” của đô thị nước ta…

Khu vực nơi công trình toạ lạc vốn có mật độ xây dựng dày đặc và thiếu cây xanh, nên mong muốn của khách gia chủ là tạo ra một ngôi nhà với không gian mở để mọi người có thể tận hưởng thiên nhiên nhiều nhất có thể. Phía trước ngôi nhà là một con hẻm khá nhỏ và xung quanh là các khối nhà hàng xóm san sát nhau, vì thế chủ đề của thiết kế là làm thế nào để tạo một không gian ngoài trời độc đáo, hấp dẫn với việc đưa nắng và gió vào bên trong công trình. Thêm vào đó, đặc điểm khu đất có bề rộng 7m ở mặt trước và 8.6m ở mặt sau cũng là yếu tố cần thiết để cân nhắc cho giải pháp kết cấu để tạo ra không gian mở mà không cần phải chống cột ở giữa

Để tạo được cảm giác “mở” cho ngôi nhà trong một khu vực đông đúc dân cư, kiến trúc sư đã sử dụng kết cấu không gian dạng vòm, vừa là hệ khung kết cấu, vừa đóng vai trò là không gian ngoài trời cho ngôi nhà. Toàn bộ công trình được định hình bởi 3 khối hộp có dạng vòm được xếp chồng lên nhau. Thêm vào đó, ba khối hộp này với kích thước khác nhau đã được sắp xếp một cách thích hợp để có thể kết nối với nhau. Không gian vòm lớn nhất có chức năng vừa là hiên nhà cho gia đình sinh hoạt chung, vừa là lối vào chính, kết nối với sân trước chỉ qua một tấm lưới họa tiết, hình thành một “căn phòng ngoài trời”, nơi dễ dàng đón nhận các yếu tố tự nhiên như nắng, gió, và mưa.

Không gian vòm thứ hai nằm ở tầng 1 có chức năng là phòng khách và bếp, khi mở cửa có thể kết nối với không gian vòm lớn. Đồng thời nếu chủ nhà mở cả cửa sau của không gian vòm thứ 3 ở tầng 2, vốn là nơi dùng để học tập và làm việc, thì cả 3 không gian vòm lúc này sẽ được kết nối với nhau xuyên suốt từ trước ra sau, tạo cảm giác như đang hoàn toàn ở ngoài trời. Giữa những khối vòm là một khoảng trống đóng vai trò điều hòa cho căn nhà bằng cách dẫn gió xuyên qua lam và đón ánh nắng thích hợp từ giếng trời. Đồng thời nó còn là nút giao thông chính cho cả công trình, gồm có thang bộ và cầu nối để liên kết các khu chức năng. Ngoại trừ khu vực phòng ngủ mang tính riêng tư, hầu như tất cả các không gian trong công trình đều được mở ra thiên nhiên một cách tối đa, nhấn mạnh một lần nữa cho ý tưởng về những “căn phòng ngoài trời” độc đáo, luôn đón nhận được những luồng gió mát và ánh sáng phản chiếu nhẹ nhàng.



Khi tiếp cận công trình từ khu vườn ở lối vào chính, chúng ta sẽ bắt gặp ngay hình ảnh 3 mái vòm lần lượt hiện ra từ trước ra sau, gợi liên tưởng đến hình ảnh của những hang động trong tự nhiên. Kiến trúc sư mang không gian ngoài trời vào công trình bằng việc tái hiện lại nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam trong hình ảnh mái vòm này. Khi ánh sáng rọi vào những không gian vòm từ nhiều hướng, thông qua các giếng trời và ô cửa, con người có thể cảm nhận được sự thay đổi đa dạng của không gian theo từng thời điểm và thời tiết khác nhau trong ngày. Bằng cách sử dụng hệ kết cấu vòm cho khoảng vượt 7m, ngôi nhà trở nên thoáng đãng và thoải mái hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng họa tiết vân tre truyền thống trên bề mặt của mái vòm bê tông đã tạo nên vẻ đẹp đặc trưng truyền thống cũng như tạo hiệu ứng ánh sáng thú vị.



Gió luôn được lưu thông qua mọi ngóc ngách bên trong ngôi nhà, kết hợp với không gian ngoài trời đa dạng, nhờ đó mọi người có thể thoải mái sinh hoạt qua các mùa trong năm thậm chí là dưới tiết trời oi ả của TP.HCM. Và qua ngôi nhà này, đơn vị thiết kế đã đề xuất một không gian sống nhiệt đới đầy cảm hứng – nơi mà các thành viên gia đình có thể tận hưởng thiên nhiên ngay dưới những mái vòm tựa như những “căn phòng ngoài trời” này.

Thông tin công trình:

Địa chỉ: Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Thiết kế: Sda. – SANUKI DAISUKE Architects

Kiến trúc sư chủ trì: Sanuki Daisuke, Tieu Dong Phuong

120A Trần Kế Xương, P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Website: www.sanukiar.com

Thi công M&E: Công ty Technical Hung Viet

Bài: S.D

Ảnh: HIROYUKI OKI

Có thể bạn quan tâm

Leave a Comment