Nhà ở tập thể TP Tân An / CAN Vietnam, ACVN
Thành phố Tân An có 14 đơn vị hành chính gồm 9 phường và 5 xã, với khoảng trên 1.000 hộ dân hiện đang sống trong các khu dân cư thu nhập thấp, thiếu hạ tầng đô thị tối thiểu, trong đó có nhiều hộ sống tạm bợ trên đất công (khu gò mả, ven kênh rạch …). Họ là những người lao động di cư vào thành phố để kiếm sống và đã dựng nhà tạm ở đây qua nhiều thế hệ. Các hộ này trước đây kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá và sinh sống luôn trên ghe xuồng, sau này không còn cá để đánh bắt thì họ đi làm thuê, ai thuê gì làm đó tạm bợ ngày qua ngày, cuộc sống vô cùng bấp bênh.
Do nhà sát bên rạch nên họ thường phải chịu cảnh ngập khi mùa mưa về và ngay cả khi thủy triều dâng. Mùa mưa nước lên ngập nền nhà đến gần đầu gối, môi trường bị ô nhiễm nặng vì không có nhà vệ sinh, rác thải vứt ngay tại chỗ, tất cả các hộ phải sử dụng điện và nước sinh hoạt giá cao do nhà ở bất hợp pháp và không có hộ khẩu.
Việc tổ chức an cư cho bộ phận dân cư này là vấn đề quan trọng và rất cấp thiết, chính quyềnTP rất muốn giải quyết tình trạng này bằng cách di dời người dân đến các khu tái định cư, nhưng còn gặp bế tắc vì chưa tìm được nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở.
ACCA – Liên minh châu Á vì Hành động cộng đồng, là một chương trình của Liên minh châu Á vì Quyền Nhà ở (ACHR), nhằm xây dựng tiến trình nâng cấp đô thị quy mô toàn thành phố tại 150 thành phố châu Á, trong đó cộng đồng là trung tâm, tự xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch để giải quyết những vấn đề của họ về nhà ở và hạ tầng, trong mối quan hệ hợp tác với chính quyền địa phương và các bên liên quan khác. Chương trình ACCA được xây dựng trên nền tảng những sáng kiến đã được triển khai ở nhiều nước trong khu vực, rút ra những kinh nghiệm, những sai lầm và những bài học trong 20 năm hoạt động. Chương trình ACCA là một công cụ quan trọng của người nghèo đô thị và của tất cả các tổ chức hoạt động vì người nghèo để tạo ra sự thay đổi ở chính thành phố của mình.
Tại Việt Nam chương trình ACCA được triển khai thông qua Hiệp hội các Đô thị Việt Nam (ACVN) triển khai trên mạng lưới các đô thị thành viên của mạng lưới Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) từ năm 2009 và năm 2011 thành phố Tân An bắt đầu tham gia mạng lưới và tiếp cận với phương pháp ACCA.
TIẾN TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN
Bước 1: Cộng đồng cùng nhau khảo sát hiện trạng các khu dân cư thu nhập thấp trên toàn thành phố (City wide mapping)
Tháng 10/2011, Thành phố Tân An thực hiện khảo sát hiện trạng các khu dân cư thu nhập thấp trên toàn thành phố. Cộng đồng dân cư đã tự xác định, đánh dấu lên bản đồ các khu vực sinh sống của bộ phân dân cư sống tạm bợ trên đất công, ven kênh… Thông qua cuộc khảo sát các nhóm dân cư đó được chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án nhà ở tập thể do cộng đồng tự tổ chức ở các địa phương khác và các quốc gia châu Á trong chương trình ACCA.
Do nguồn lực hạn chế như vậy nên TP Tân An đã lựa chọn cách thực hiện thí điểm 1 dự án nhà ở, và khu vực thực hiện dự án được lựa chọn theo tinh thần xung phong của cộng đồng, nơi nào quyết tâm tham gia thì được hỗ trợ triển khai trước. Trưởng khu phố Bình Đông 1, Phường 3, TP Tân An sau khi được nghe chia sẻ đã xung phong nhận thực hiện đầu tiên ở một nhóm dân cư gồm 15 hộ dân sống tạm bợ ven kênh tại hẻm 115 đường Nguyễn Thái Bình thuộc khu phố của ông.
Bước 2: Cộng đồng cùng nhau quy hoạch
Để hỗ trợ cộng đồng tháng 3/2012 Nhóm mạng lưới KTS cộng đồng tình nguyện (CAN VN-Community Architect Network in Việt Nam) trực thuộc Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã phối hợp với với trường Đại học Kiến trúc TP HCM tổ chức Hội thảo kiến trúc sư cộng đồng với chủ đề “Cộng đồng cùng tham gia quy hoạch và xây dựng nhà ở”. Hội thảo đã mời đến những thủ lĩnh cộng đồng của những dự án nhà ở đã thực hiện tại các TP Vinh, TP Hải Dương và một số cộng đồng thuộc các dự án ở Campuchia để chia sẻ những kinh nghiệm chủ động triển khai dự án cho cộng đồng nhóm 15 hộ gia đình thuộc dự án thí điểm này. Các thủ lĩnh cộng đồng đã truyền thêm niềm tin, động lực để các hộ dân tin tưởng hoàn toàn vào khả năng của chính họ có thể triển khai thành công để thay đổi cuộc sống của chính mình như các nơi khác đã làm được.
Từ tháng 4/2012 – 4/2013 Nhóm CAN VN hỗ trợ cộng đồng thực hiện những nội dung sau:
- Lập dự án xin phê duyệt kinh phí hỗ trợ cộng đồng từ ACHR, dự án được phê duyệt vào tháng 4/2012
- Cùng với Phòng Quản lý đô thị hoàn thiện hồ sơ quy hoạch 1/500 để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tháng 11/2012 đồ án quy hoạch được phê duyệt, được sự hỗ trợ của chính quyền TP Tân An, cộng đồng được cấp thêm 1 miếng đất công lân cận để quy hoạch phương án cuối cùng là bố trí được 20 hộ gia đình, như vậy có thêm 5 hộ gia đình khó khăn ở nơi khác sẽ được chuyển về sinh sống cùng với cộng đồng ở đây.
- Từ 11/2012 – 4/2013 hỗ trợ các hộ dân thiết kế nhà ở phù hợp với nhu cầu sinh hoạt, năng lực tài chính của từng hộ gia đình, hỗ trợ tính toán chi phí cho từng gia đình.
Bước 3: Cộng đồng cùng nhau tiết kiệm[1]
Tháng 4/2012 cộng đồng bắt đầu tham gia tiết kiệm cùng nhau, với mức đóng góp 300,000-500,000đ/hộ/tháng để tích lũy cho mục tiêu xây dựng nhà ở, nhóm quản lý quỹ tiết kiệm cộng đồng gồm 3 người có uy tín nhất trong 15 hộ giữ số tiền và đem gửi ngân hàng để tích lũy.
Đến tháng 9/2013 mỗi hộ dân tiết kiệm được khoảng 7-10 triệu đồng.
Bước 4: Cùng nhau lựa chọn nhà thầu và giám sát xây dựng nhà ở
Tháng 5/2013 cộng đồng bầu ra nhóm đại diện là những người có hiểu biết về xây dựng để tìm các nhà thầu tiềm năng để cả cộng đồng chọn lựa, sau đó UBND phường hỗ trợ cộng đồng với vai trò là chủ đầu tư ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu.
Tháng 7/2013, Các hộ dân tự tháo dỡ nhà cũ để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công tiến hành xây dựng, các hộ dân cử người tham gia giám sát trong quá trình thi công.
Các biện pháp cộng đồng chung tay, cùng nhau đã được áp dụng để giảm chi phí xây dung:
- Mua chung nguyên vật liệu.
- Nhà xây chung móng – cột – đà bê tông, chung tường.
- Tận dụng vật liệu cũ (cửa, mái tole, đòn tay…)
Tháng 10/2013 dự án đã được khánh thành vào đúng ngày nhà ở thế giới (habitatday) với kinh phí hoàn toàn do người dân tự đóng góp (từ tiết kiệm và vay trả chậm).
Giá thành xây dựng dao động từ 43.000.000 -50.000.000đ/căn (khoảng 1,200,000-1,500,000đ/m2), như vậy để đủ kinh phí xây dựng mỗi hộ vay từ Quỹ Phát triển cộng đồng TP 30,000,000-40,000,000đồng/hộ (tùy thuộc vào năng lực tiết kiệm của từng hộ) với thời hạn 60 tháng, lãi suất 0,5%/tháng,
Bước 5: Cùng nhau hoàn trả vốn vay
Tiền vay của mỗi cộng đồng được thu hồi theo tháng thông qua Quỹ tiết kiệm cộng đồng lãi suất được tính trừ lùi dần từ tháng 1 đến tháng thứ 60. Mỗi hộ mỗi tháng tiết kiệm khoảng 500- 700 nghìn để hoàn vốn.
An cư lạc nghiệp, các hộ dân sau khi có được nhà mới, họ yên tâm hơn, làm việc chăm chỉ hơn nên có nguồn thu nhập tốt hơn, tiết kiệm được nhiều hơn để hoàn trả số tiền đã vay. Một số người trước đây ốm yếu do ở trong môi trường ô nhiễm bẩn thỉu nên bệnh tật liên miên không làm ăn kiếm sống được, sau khi được ở trong môi trường trong sạch và an toàn hơn, sức khỏe được ổn định và yên tâm làm ăn kiếm tiền.
Do có hoạt động tiết kiệm cộng đồng nên đến hết năm 2018 các hộ dân đã trả được toàn bộ khoản vay theo đúng kế hoạch 60 tháng.
Đến năm 2019 cộng đồng đang được chính quyền địa phương hỗ trợ hoàn tất các thủ tục pháp lý để tiến hành làm giấy tờ đất đai cho các hộ dân.
NHÂN RỘNG MÔ HÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TP TÂN AN
Sau khi cùng nhau thực hiện thành công dự án thí điểm tại hẻm 115 đường Nguyễn Thái Bình, khu phố Bình Đông 1, Phường 3, UBND TP Tân An nhận thấy rõ được tính khả thi và tính hiệu quả của phương thức cộng đồng nghèo chung tay cùng nhau xây dựng nhà ở nên UBND TP khuyến khích và tuyên truyền đến toàn bộ các phường xã để các cộng đồng khác có hoàn cảnh tương tự có thể chủ động đề xuất phương án để tiếp tục thực hiện các dự án tiếp theo trên địa bàn thành phố.
Tháng 4/2014, Dự án thứ 2 tại Tại Hẻm 116, khu phố Nhơn Hòa 2, đường Trần Minh Châu, Phường 5, thành phố Tân An gồm 18 hộ gia đình bắt đầu được triển khai. Cộng đồng dân cư tại đây đã đến thăm hỏi học tập kinh nghiệm của cộng đồng dân cư tại dự án đầu tiên do vậy toàn bộ tiến trình thực hiện dự án đã được rút ngắn, toàn bộ dự án đã hoàn thành trong 12 tháng. Dự án được khánh thành vào ngày 4/5/2015.
Năm 2019 những hộ dân thuộc 2 dự án ở Phường 3 và Phường 5 đã hoàn thành việc hoàn trả vốn vay để xây nhà, nguồn quỹ 40,000USD ban đầu vẫn đảm bảo được thu hồi hiệu quả.
Tuy nhiên một điểm mà chính quyền TP Tân An nhận thấy nếu vẫn tiếp tục triển khai theo cách làm từng dự án như vậy thì số hộ dân được cải thiện cuộc sống vẫn chưa nhiều, chưa phát huy được hiệu quả vì trên địa bàn thành phố Tân An số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở như vậy còn rất nhiều. UBND TP đã lập đề án rà soát, quy hoạch toàn bộ những lô đất công trên địa bàn toàn thành phố để bố trí tái định cư cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.Tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ mới góp thêm vào nguồn Quỹ phát triển cộng đồng Thành phố để quỹ có nhiều kinh phí hơn, có thể hỗ trợ cùng một lúc nhiều hơn số hộ dân gặp vấn đề khó khăn về nhà ở tại TP Tân An.
BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Để thực hiện thành công dự án cần sự chung tay của rất nhiều thành phần, trong đó có thể phân loại ra 3 nhóm như sau:
- Cộng đồng: Cộng đồng là trung tâm, Việc trao quyền chủ động cho cộng đồng đã giúp người dân thuộc nhóm nghèo nhất từ chỗ hoàn toàn thụ động trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài đã chủ động tham gia thay đổi cuộc sống của chính họ. Điều kiện quan trọng tiên quyết để dẫn đến thành công là sự chung tay của chính cộng đồng, sau đó mới là sự chung tay của các thành phần khác.
- Các tổ chức hỗ trợ: Sự hỗ trợ mang tính kết nối của các tổ chức hỗ trợ giúp gia tăng sự tự tin của người nghèo trong quá trình tự đi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn bằng nguồn nội lực của chính họ, phát huy được sức mạnhcủa cộng đồng.
- Chính quyền địa phương: Tạo điều kiện, tạo cơ chế, hành lang pháp lý để cộng đồng thực thi kế hoạch theo đúng quy định.
9 nguyên tắc cơ bản trong thực hiện chung tay hướng tới sự phát triển cộng đồng bền vững:
- Cộng đồng là những người khởi xướng đầu tiên và là người đưa ra giải pháp:
- Chú trọng vào hành động
- Tư duy – Hành động – Học hỏi trên quy mô toàn thành phố
- Sử dụng nguồn lực một cách chiến lược
- Cùng với người dân, mỗi thành phố có thể giải quyết các vấn đề của mình
- Hướng tới sự thay đổi thể chế
- Xây dựng trên nền tảng những gì đã có tại cộng đồng và thành phố đó
- Nguyên tắc lan tỏa: chia sẻ, nhân rộng các kinh nghiệm, thực tiễn tốt
- Nguyên tắc thiếu hụt: kinh phí ít giúp các cộng đồng và thành phố nghĩ rộng hơn để tìm giải pháp huy động nguồn lực, tìm kiếm đối tác và bắt đầu thực hiện ngay một hoạt động cụ thể.
Các vướng mắc trong vấn đề nhà ở cho cộng đồng nghèo đô thị có phần do thể chế về đất đai và tài chính chưa đáp ứng với tình hình phát triển đô thị như hiện nay. Đó cũng chính là gốc rễ tạo ra sự bất ổn xã hội đặc biệt tại các đô thị. Dự án chung tay xây dựng tại thành phố Tân An– không chỉ đóng góp thực tiễn hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo mà còn là một đóng góp thúc đẩy sự thay đổi lớn hơn rõ nét hơn về thể chế, chính sách quản lý đất đai và tài chính hỗ trợ các nhóm thu nhập thấp, cộng đồng nghèo đô thị trên cả nước.
Ngày 13/5/2014 một cuộc Đối thoại chính sách với Ủy ban Quốc hội đã được tổ chức với chủ đề “Vai trò của cộng đồng Đô thị trong tiến trình phát triển nhà ở”. Lần đầu tiên, vai trò của cộng đồng được đề cập và được coi là vai trò trung tâm trong tiến trình phát triển nhà ở.
- Chú thích: [1] Bước 2 và bước 3 thực hiện song song