Bảo tàng Cao Bằng / DCCD6
Bảo tàng tỉnh Cao Bằng được đặt tại lô đất CC.1 tại bản vẽ Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất KT-04 thuộc Đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 xây dựng Khu trung tâm hành chính tỉnh tại khu đô thị mới Đề Thám, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, khu đất hình chữ nhật rộng 22.017 m2 (123m2 x 179m2).
QUAN ĐIỂM THIẾT KẾ:
Bảo tàng địa phương, là nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, chính trị, văn hóa, tự nhiên, kinh tế, xã hội… của địa phương đó. Với mục đích là giáo dục, học tập, nghiên cứu, thỏa mãn trí tò mò tìm hiểu về quá khứ.
Với những thế hệ đi trước, bảo tàng là nơi để tưởng nhớ, nơi lưu giữ những ký ức, về những sự yêu thương. Với thế hệ hiện tại và tương lai, Bảo tàng là nơi để tìm hiểu, để trân quý, để học tập và nghiên cứu, để hiểu rõ cội nguồn và lịch sử phát triển cùng những sự hy sinh mất mát của bao thế hệ tạo dựng nên.
Công trình Bảo tàng, không chỉ giới hạn bởi việc lưu giữ cho mục đích giáo dục, học tập, nghiên cứu. Chúng tôi muốn tạo nên một công trình Bảo tàng hướng đến tương lai, biến nó thành một biểu tượng thu hút để thăm quan, để thỏa mãn trí tò mò, tìm hiểu, để góp phần quảng bá du lịch và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Cao Bằng.
Ý TƯỞNG CHỦ ĐẠO:
Tổ hợp hình khối: được tổ hợp bởi 5 khối chính – tượng trưng cho ngũ hành ; các khối hình vông và chữ nhật đan xen, gọt giũa theo hình tháp ngược và vuốt nhọn ở đỉnh như những ngọn núi soi bóng xuống hồ nước cạn (sâu 30-45cm); các khối tròn hòa quyện vào nhau như những dải mây trắng quyện hòa vào hình ảnh ruộng bậc thang trong nắng sớm. Nó cũng gợi hình ảnh về Văn hóa – Truyền thống và Bản sắc là sức bật giúp Cao Bằng phát triển.
GIẢI PHÁP QUY HOẠCH:
Quy hoạch hướng đến việc hợp khối tối đa, với chỉ 1 khối công trình lớn – Bảo tàng – và 1 khối dịch vụ (cafe, giải khát, ăn nhẹ và lưu niệm) giúp giảm mật độ xây dựng xuống dưới 25% so với yêu cầu. Địa hình dốc về phía tây được tận dụng làm bể nước cạn, giảm thiểu việc san nền và tận dụng tối đa ưu thế của địa hình.
Cổng vào: bố trí 3 hướng tiếp cận với 5 lối vào – ra; lối vào chính phía trước bố trí 1 lối tiếp cận cho người đi bộ (thông qua phương tiện công cộng / ô tô) đi qua quảng trường vào thẳng vào sảnh chính (cổng số 1), đây sẽ là lối vào thường xuyên; lối vào phía đông được kết nối từ Quảng trường Trung tâm hành chính qua cổng số 15 sẽ là lối vào – ra chính cho xe cơ giới (vào tầng hầm để xe, bãi để xe số 16); lối vào khu thư viện, hành chính được bố trí ở cổng phía tây (cổng số 3) và được kết nối liên thông ra bãi xe số 16 và tầng hầm. Ngoài ra có bố trí 1 lối vào cho người đi bộ (khi có sự kiện), cổng số 11 kết nối ra quảng trường TTHC và 1 lối ra tại cổng số 2 – điểm đầu của trục lễ hội phục vụ khách Vip khi thời tiết không thuận lợi.
Trục lễ hội là điểm nhấn ngoài nhà bằng đường dạo uốn cong cách điệu từ chữ B (khi cần có thể sử dụng làm đường PCCC) và lát đá tự nhiên có sẵn tại địa phương. Đây là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, ẩm thực xuyên suốt khu hoạt động phía đông; hai bên trục đường dạo bố trí đan xen vườn trưng bày ngoài trời, các gian hàng và các điểm dừng chân cho du khách.
Quảng trường và đài phun nước: bố trí trước mặt công trình chính, với khoảng lùi sâu, rộng tạo thế tiếp cận sang trọng và mở ra lối vào hang được chiếu sáng bằng ô thông tầng thú vị.
Mặt nước: bố trí phía tây, nơi có địa hình thấp nhất khu đất, vừa tiết kiệm chi phí san lấp, vừa tạo nên bể nước cạn sâu 30-45cm phía tây giúp giảm bức xạ nhiệt.
Cây xanh – sân vườn: bao bọc quanh công trình chính, tạo nên một vỏ bọc xanh giúp giảm tiếng ồn và khói bụi. Sân vườn được thiết kế mô phòng đường đồng mức núi đồi, tạo cảm giác gần gũi tự nhiên Cao Bằng, xem kẽ là các ô trưng bày hiện vật ngoài trời; thiết kế đường dạo bên triền cỏ, kết hợp chỗ nghỉ chân với ghế đá, mái che được cách điệu từ cánh hoa Lê trắng – một loài hoa đặc sắc của Cao Bằng.
Biển tên công trình: được kết hợp giữa tạo hình kiến trúc với mỹ thuật và màu sắc thu hút tầm nhìn từ phía trung tâm Quảng trường khu hành chính và trung tâm Hội nghị.
Bảo tàng: được thiết kế với tổ hợp 5 khối vông – tròn cơ bản, đan xen, chồng lớp, hòa quyện với khoảng lùi rộng phía trước tạo điểm nhìn hấp dẫn từ 3 hướng chính, tây nam, đông nam, tây bắc.
Giao thông: được tận dụng lợi thế tiếp cận từ 3 hướng có sẵn để tạo sự kết nối cần thiết cho công trình; đồng thời đảm bảo yêu cầu thoát nạn, pccc và liên hệ thuận tiện nhất với các khu chức năng bên trong khu đất.
GIẢI PHÁP THIẾT KẾ KIẾN TRÚC:
Giải pháp về ngôn ngữ kiến trúc:
Công trình được tạo nên với cấu trúc đa lớp vỏ, khối chính bằng bê tông đục lỗ, ốp gạch nung sẵn có tại địa phương hoặc sử dụng gạch inax sản xuất tại Việt Nam / đá granit, đá xẻ, và lắp hệ thống đèn led chiếu sáng tạo thành màn hình phản chiếu về đêm; khối tròn sử dụng lam bê tông mài nhẵn, sơn màu nâu nhạt.
Bố cục hình khối công trình theo hướng “đón gió” nam, tận dụng tối đa ưu thế của tự nhiên để lấy ánh sáng và thông gió cho công trình tối đa. Bóng đổ của công trình về phía tây bắc, bắc, đông bắc được sử dụng làm chỗ nghỉ trên hồ nước và bãi đỗ xe ngoài trời, giúp cho việc tản nhiệt hiệu quả, và luôn có bóng mát.
Mục tiêu của việc định hình ngôn ngữ kiến trúc:
Xây dựng trong thời đại mới, với vị trí là điểm nhấn trong không gian kiến trúc của Trung tâm hành chính – chính trị mới của tỉnh Cao Bằng. Chúng tôi muốn tạo nên “cầu nối” trong không gian, là trung tâm đoàn kết, gắn bó của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà. Cùng nhau ôn lại lịch sử, cùng nhau hướng đến tương lai, thúc đẩy phát triển Du lịch Cao Bằng, góp phần xây dựng Cao Bằng phát triển bền vững…
Ấn tượng của một bảo tàng hiện đại về công nghệ và thông minh trong vận hành:
Ngày nay, quan niệm về Bảo tàng đã ít nhiều có sự thay đổi, khi mà công nghệ hiện đại của nhiều lĩnh vực thông tin được cập nhật. Chung tôi muốn mang đến một mô hình bảo tàng mới – Bảo tàng của công nghệ hiện đại – Không chỉ trưng bày các hiện vật có sẵn, mà tự thân nó cũng là một vật thể trưng bày hiện hữu và truyền tải thông tin đến đại chúng thông qua màn hình Led siêu lớn ở khối chính bằng kính của công trình.
Phương án bố trí công năng:
Công trình thiết kế với 1 tầng bán hầm phục vụ để xe máy, xe ô tô cá nhân và hệ thống kho lưu trữ, bảo quản; 3 tầng nổi được bố trí cho khu bảo tàng (khối tròn); khu công cộng (chiếu phim, dịch vụ) tại tầng 1, tầng 2 khối chữ nhật; khu thư viện tại tầng 1, 2 khối vuông; khu hành chính tại tầng 3 khối vuông và chữ nhật.
Lối vào: công trình thiết kế với 3 lối vào chính, sảnh chính phía trước (hướng tây nam) tiếp cận đại sảnh; sảnh hướng đông nam tiếp cận khu dịch vụ, tam cấp sảnh được bố trí để kết hợp làm khán đài phục vụ sân khấu ngoài trời và khu trưng bày ngoài trời; sảnh hướng tây bắc phục vụ khu hành chính, giáo dục, nghiên cứu, và thư viện – đi qua bể nước cạn ở địa hình thấp.
Lối vào – ra tầng hầm bố trí phía sau (hướng bắc) kết hợp bãi đỗ xe 16 – 45 chỗ, tận dụng được bóng đổ công trình để làm mát và chắn nắng.
Giao thông theo chiều đứng: Được đảm bảo bằng hệ thống 5 – 7 thang máy, tại 3 điểm tiếp cận khác nhau, phục vụ cho nhu cầu liên kết các tầng với các khu chức năng; 4 thang bộ thoát hiểm theo quy định pccc và 2 thang bộ dạng cuốn tròn kiểu mở tại ô thông tầng khối tròn tạo nên lưu tuyến thăm quan khép kín.
Lưu tuyến thăm quan: được thiết kế theo nhiệm vụ thiết kế, với việc phân thành các khu vực theo chủ đề trưng bày (trưng bày thường xuyên, trưng bày nhất thời) và công viên địa chất. Với điểm nhấn không gian là Thác Bản Giốc, Rừng cách mạng, Công viên địa chất.
Phương án định hướng vật liệu kiến trúc:
Công trình được tạo nên với cấu trúc đa lớp vỏ, khối chính bằng bê tông đục lỗ ốp đá tự nhiên / gạch nung và lắp hệ thống đèn led chiếu sáng; khối tròn sử dụng lam bê tông mài nhẵn, sơn màu nâu nhạt; hệ thống lấy sáng tự nhiên bằng lớp kính màu sản xuất tại Việt Nam. Công trình tạo các điểm hoa văn trang trí thông qua các lỗ mở như nhắc đến văn hóa, bản sắc của dân tộc.