Hồ Chương House – được kết cấu như những khối đồ chơi xếp chồng lên nhau
Thiết kế bởi 6717 Studio
Công trình: Hồ Chương House
Địa điểm: Quận 9, TP Hồ Chí Minh.
Diện tích khu đất: 240 m2
Diện tích xây dựng: 140m2
Kiến trúc sư chủ trì: KTS. Lê Viết Hội
Kết cấu: Le Kha
ME : Quoc Nguyen Dinh.
Cây xanh: Hoang Phi Nguyen Thi.
Cộng sự: Mai Phuong, Duy An, Hữu Nguyễn.
Đơn vị thi công: Anphathouse, Ngoc Dong Le
Hoàn thành: năm 2016.
Photography: Quang Trần
Danh mục: Nhà đẹp Sài Gòn
Sở hữu 2 mặt tiền với 3 hướng đón gió
Vị trí ngã 3 đặc biệt lại “vô tình” đưa ngôi nhà đến với hình khối kiến trúc hiện tại
Nằm trên khu đất 240m2 ở quận 9, Hồ Chí Minh, căn nhà hai mặt tiền dường như có đủ lợi thế để xây nên một công trình đẹp. Tuy nhiên, bằng sự sắp xếp vừa vặn mà khéo léo, kiến trúc sư chỉ tận dụng 140m2 đất để xây dựng và đưa nắng, gió, thiên nhiên vào trong ngôi nhà. Những không gian xếp chồng vừa khiến người ta thấy thú vị khi nhìn ngắm, vừa là cách đem lại một trải nghiệm đủ đầy cho một không gian sống.
Nằm ở vị trí góc trên một con phố khá yên tĩnh của đường Trần Quốc Toản, Hồ Chương House không đề cao sự nổi bật. Ngay từ khi hình thành ý tưởng, gia chủ đã muốn ngôi nhà của mình đơn giản, mạch lạc và có thể tận dụng được tối đa cảnh quan thiên nhiên xung quanh, đặc biệt là hướng gió Tây Nam phía sau nhà.
Dựa vào những yêu cầu đó, kiến trúc sư Lê Viết Hội (6717 Studio) đã đưa ra giải pháp sử dụng những khối hộp phân chia chức năng của từng khu vực. Từ đó, mỗi khối hộp đều sở hữu tầm nhìn và hướng đón gió một cách tối đa. Đồng thời, cách phân chia không gian như vậy khiến cho ngôi nhà trở nên thoáng hơn, “tâm đầu ý hợp” với những gì mà gia chủ mong muốn.
Những khối hộp được sắp xếp lệch tầng giúp mở rộng tầm nhìn
Buổi tối, những khối hộp khiến ngôi nhà trở nên nổi bật hơn so với cảnh quan xung quanh
Những hộp với kích cỡ khác nhau được sắp xếp một cách tưởng chừng như vô ý nhưng thực chất lại là sự “cố ý” của kiến trúc sư. Không khó để nhận ra, kiến trúc sư đã sử dụng những màu sơn khác nhau làm bật lên yếu tố chính phụ của hình khối.
Ngôi nhà có hướng Tây Nam, kiến trúc sư muốn tận dụng điểm này để khai thác tối đa luồng gió tự nhiên. Vì vậy, một con hẻm nhỏ được tạo ra sau nhà. Khu vực này được bố trí thêm hệ cửa lùa, gia chủ có thể chủ động trong việc điều tiết ánh sáng, gió trong nhà.
Đề bài mà gia chủ đặt ra cho kiến trúc sư là bố trí không gian chức năng cho 2 vợ chồng và 2 người con. Ngoài ra, khoảng không gian sân vườn phía ngoài có thể trở thành quán café trong tương lai nên khi thiết kế, kiến trúc sư đã đề cao tính kết nối của không gian phía trong và sự riêng tư với khu vực kinh doanh phía ngoài.
Sở hữu 2 mặt tiền, khi bước qua cánh cổng sẽ không phải là phòng khách mà lại là một tiểu đảo cây xanh, điểm kết nối không gian phía trong và bên ngoài ngôi nhà. Phá bỏ đi khoảng cách giữa những khối bê tông khô cứng với cuộc sống của con người bên trong. Khu vực này cũng dễ dàng chuyển đổi thành quán café sân vườn theo yêu cầu đặt ra của gia chủ.
Khu vực tầng trệt được bố trí phòng khách và nhà bếp theo lối thiết kế mở. Dù không có sự ngăn cách rõ ràng nhưng cách thiết kế giật cấp giúp gia chủ nhận thức rõ ràng hơn về không gian. Cách thiết kế mở giúp mọi người trong nhà có thể dễ dàng nhìn thấy nhau dù đang ở nhà bếp hay phòng khách. Khu vực bàn ăn trở thành tâm điểm của không gian tầng trệt
Bàn ăn được bố trí ngay khu vực thông tầng. Đó là nơi các thành viên trong gia đình ngồi lại với nhau để chia sẻ những câu chuyện thường ngày. Khu vực cầu thang được đẩy vào phía trong cùng khiến không gian ngôi nhà trở nên rộng rãi và thoáng đãng hơn.
Lấy khoảng thông tầng làm phần “lõi” của ngôi nhà nên từ phòng ngủ của ba mẹ và con cái đều có tới 2 tầm nhìn: khoảng thông tầng và khoảng không gian xanh phía ban công. Điều này cũng thể hiện sự thành công của kiến trúc sư khi khéo léo sắp xếp không gian và ánh sáng tự nhiên chung vào làm “của riêng” cho ngôi nhà.
Hệ thống cầu thang được bố trí trong góc một cách khoa học. Chi tiết cầu thang với điểm nhấn là phần nối bằng kim loại. Phía dưới cầu thang được tận dụng làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn. Phòng ngủ của ba mẹ được bố trí hợp lý và tận dụng tầm nhìn ra ban công. Phòng ngủ của con tươi sáng hơn với gam màu nổi bật. Góc cửa sổ cũng được tận dụng làm góc thư giãn nhỏ xinh. Màu sắc – yếu tố quan trọng tạo nên sự hòa hợp
Sự kết hợp giữa 2 gam màu trắng – xám một cách “có chủ đích”
Không sử dụng những gam màu nổi bật, Hồ Chương House chọn cho mình màu trắng – xám hòa đồng. Trong đó, màu trắng giúp làm dịu đi những hình khối kiến trúc cứng nhắc, còn màu xám lại tạo nên điểm nhấn nhá đặc biệt cho những hình khối kiến trúc còn lại. Sự kết hợp nhịp nhàng tạo nên một bức tranh thiên nhiên trong đó cây xanh làm chủ đạo và ngôi nhà chỉ là một chi tiết trong bức tranh ấy mà thôi.
Trái ngược lại với màu sắc ở bên ngoài công trình, không gian bên trong lại là cả một sự phô diễn, biến tấu của màu sắc. Cách kết hợp màu đen, trắng và vàng gỗ khéo léo tạo cho ngôi nhà sự mạnh mẽ nhưng rất ấm áp. Tường nhà sử dụng đá Black Burkina đen tinh tế với những đường vân tự nhiên mạnh mẽ.
Hình ảnh bản vẽ mặt cắt của công trình
Dù diện tích xây dựng chỉ 140m2 nhưng nhờ khai thác được tầm nhìn tối đa khiến các phòng trong căn biệt thự phố này trở nên rộng rãi, thoáng đãng và có sự kết nối mật thiết với không gian xung quanh.
Nguồn: Happynest