Bản Tin

Hàng thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ dừa

Hàng thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ dừa

Ba dãy đất cù lao Bến Tre thuộc vùng sinh thái nước lợ. Đây là điều kiện tuyệt vời về thổ nhưỡng cho họ nhà dừa sinh trưởng và phát triển. Người dân Bến Tre hàng mấy trăm năm qua không hề bỏ lỡ cơ hội này. Bến Tre hiện nay có hơn 70.0000ha đất trồng dừa, chiếm diện tích dừa lớn nhất so với các tỉnh khác trong nước.

Ban đầu nông dân trồng dừa chủ yếu lấy trái. Ngoài ra, thân dừa dùng để làm nhà; như cột, kèo, đòn tay… Thân dừa còn sử dụng làm trụ sào đáy, làm hầm chống bom đạn trong chiến tranh hay bắc làm cầu qua mương, rạch… rất đắc dụng. Sau đó, gỗ dừa được dùng làm hàng thủ công mỹ nghệ để trang trí nội thất hay làm quà biếu tặng.

Toàn tỉnh Bến Tre có hơn 20 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa. Nhiều cơ sở lớn như Trường Ngân, Yên Thanh, Hưng Tiến, Kim Tứ, Phúc Sang… đều có “vệ tinh” để thu mua nguyên liệu, sơ chế sản phẩm, nhận hàng gia công… Có hơn 200 loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ dừa làm mê hoặc khách hàng. Từ các hàng gia dụng như: tô, chén, dĩa, dao, lược, bộ tách, khay, ấm trà… làm từ thân dừa lão; nghệ nhân còn sử dụng gáo dừa, chà dừa làm chụp đèn trang trí nội thất quán ăn, nhà hàng, khách sạn…. Trái dừa khô được tạo dáng nhiều loài thú. Cả cọng lá dừa cũng được tận dụng làm giỏ cắm hoa, giỏ đựng trái cây…

Độc đáo có cơ sở Mộc Lan ở Hưng Nhượng (Giồng Trôm) dùng gáo dừa ốp tường nhà thay gạch men, rất được khách hàng ưa chuộng. Giá thành dao động từ 500-600 ngàn đồng/ m2. Sản phẩm này đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và đã được phân phối ở nhiều thị trường lớn trong nước như TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng… Thú vị hơn, năm 2012, họa sĩ Lê Dân và nghệ nhân Võ Văn Bá đồng chế tác ra 27 loại nhạc cụ dân tộc từ gỗ dừa. Sản phẩm này được GS.TS Trần Văn Khê (lúc sinh thời) khen ngợi và được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập, vinh danh.

Hàng mỹ nghệ làm từ chất liệu dừa Bến Tre nhiều năm qua còn được đưa đi chào hàng trên các thị trường thế giới như Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Thụy Sĩ… Các sản phẩm dừa đều xuất hiện ở các hội chợ thương mại – du lịch trong và ngoài nước một cách đàng hoàng, ấn tượng. Dòng sản phẩm này hàng năm thu về cho địa phương nguồn ngoại tệ đáng kể. Ở Bến Tre, nơi nào cũng bày bán giăng giăng loại sản phẩm sinh động và hữu dụng này. Nhưng làm nên thương hiệu, thổi hồn vào những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên ở Bến Tre phải kể là các nghệ nhân của cơ sở Trường Ngân.

Anh Thuyên

 

Có thể bạn quan tâm

Leave a Comment