TẠP CHÍ NHÀ ĐẸP

Cage House – Mượn không gian nối gần khoảng cách | T-architects

Cage House – Nhà lồng, tổ ấm mang thông điệp tạo lập không gian sống gia tăng sự kết nối giữa các thành viên được thể hiện một cách hết sức khác lạ với một mặt tiền “hờ hững” tưởng kín nhưng không hề kín.

Thông tin công trình:

  • Tên dự án: Cage House
  • Đơn vị thiết kế: T-architects
  • Chủ trì: Lê Hoàng Tôn
  • Địa điểm công trình: Số 5 Ngõ 121 Nguyễn Hiêu, Thanh Hoá, Việt Nam
  • Năm hoàn thành: 2020
  • Chụp ảnh: Tana

Thuyết minh của KTS:

Mặt trước công trình

Những năm gần đây, T-architects nhận được cùng một yêu cầu thiết kế khá chung ngay trong buổi làm việc đầu tiên với chủ đầu tư: “Chúng tôi muốn có 1 ngôi nhà được thiết kế để các không gian tăng sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình”. Có lẽ điều đó là mong muốn của hầu hết những gia đình đang sống trong thời đại công nghệ số và bùng nổ đô thị nhanh chóng như ở Việt Nam, nơi mà diện tích đất đang ngày càng thu hẹp và con người chú tâm nhiều vào các thiết bị thông minh hơn là tương tác trực tiếp với nhau.

Cage House nổi bật so với những kiến trúc nhà ở xung quanh

Nằm trong khu đô thị ở thành phố Thanh Hoá, “Nhà lồng” được thiết kế trên một khu đất có diện tích khá khiêm tốn với kích thước 4,5m chiều rộng và 17m chiều dài. Chủ nhà đã sống ở khu phố này rất lâu và nhận thấy các nhà xung quanh có kiểu thiết kế nhàm chán, rập khuôn lại mẫu của nhau.

Ngay từ giai đoạn gặp gỡ, chủ đầu tư mong muốn ngôi nhà mới của mình sẽ được thiết kế sáng tạo và khác biệt, không giống nhà hàng xóm. Cùng với đó, ngôi nhà cần có những không gian dành cho các hoạt động chung của gia đình, nơi mà cặp vợ chồng trẻ và hai người con có nhiều thời gian dành cho nhau hơn.

Bản vẽ tầng 1
Bản vẽ tầng 2

Điểm nhấn đầu tiên của công trình chính là tạo các không gian thông tầng xen kẽ giữa các không gian riêng và chung. Điều này tạo điều kiện cho việc sử dụng chung và kết nối các không gian với nhau. Tầng lửng giữa tầng 1 và 2 chính là không gian chuyển từ khu vực chung của cả nhà tới phòng riêng từng thành viên trong gia đình, nơi đây cũng là phòng sinh hoạt chung.

Không gian thông tầng được sử dụng liên tục tạo sự liên kết. Các không gian chung và không gian riêng của từng thành viên trong gia đình không bị ngăn cản mà thay vào đó có thể kết nối từ nhiều hướng. Điều này đã tạo cơ hội cho việc quan sát và giao lưu giữa các không gian với nhau.

Mặt trước đẩy lùi tạo khoảng đệm tăng lưu thông không khí

Toàn bộ mặt trước và mặt sau của Cage House được đẩy lùi tạo khoảng đệm để tăng lưu thông không khí, giảm bớt nóng. Việc sử dụng hệ khung thép tròn đã mang lại một thiết kế khác lạ cho hình ảnh công trình. Sử dụng ngôn ngữ của chiếc lồng, mặt trước và mặt sau của nhà được phủ kín nhưng không hề “kín”.

Thay đổi cách đặt hệ khung sắt đã tạo nên sự thay đổi về các hướng nhìn từ trong ra ngoài và ngược lại. Hệ khung như một mạng lưới căng ra thụt vào bảo vệ toàn bộ mặt tiền ngôi nhà, cùng với đó là sinh ra các khoảng đệm. Tại các khoảng đệm đó, không gian chung được đặt vào như một sự kết nối.

Hệ khung như những một mạng lưới căng ra thụt vào bảo vệ toàn bộ mặt tiền ngôi nhà

Nhằm tăng tính thân thiện của các không gian, giảm bớt hình ảnh cứng nhắc của vật liệu bê tông và sắt thép, ngôi nhà được phủ thêm màu sắc xanh của cây. Tuy rằng diện tích trồng cây rất hạn chế, như là tận dụng các khoảng trống nhỏ, nhưng đã thực sự mang lại một tấm áo khoác hoàn toàn mát mẻ cho ngôi nhà. Đây vừa là điểm nhấn, vừa là nơi để sau giờ làm gia chủ có thể giải tỏa bớt căng thẳng thông qua việc chăm sóc khuôn viên nhỏ xinh, được nhìn thấy mầm xanh đang vươn lên từng ngày.

Sắc xanh được lồng ghép nhằm tăng sự thân thiện và giảm bớt sự cứng nhắc của bê tông, khối thép

“Các cháu nhà chị thích lắm, các phòng không còn kín bưng như bị nhốt vào bốn bức tường nữa, mà thay vào đó chúng có thể chạy nhảy, nói chuyện với nhau ở mọi nơi. Chúng rất thích mỗi khi chơi đùa dưới tán cây trước phòng anh chị”, Chị Hảo – Chủ nhà chia sẻ với chúng tôi trong một buổi chiều đầy nắng.

Xem thêm ảnh công trình:

Có thể bạn quan tâm

Leave a Comment